Tự do tín ngưỡng, tôn giáo - quyền hiến định của công dân việt nam

Trong quá trình phát triển của nhân loại, tín ngưỡng, tôn giáo được xem như là một cứu cánh, chỗ dựa về tinh thần của con người, nhất là trong giai đoạn sự hiểu biết khoa học về thế giới tự nhiên, xã hội còn hạn chế. Ngày nay, tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo còn góp phần giữ gìn sự đa dạng, nét đặc trưng về văn hóa của một cộng đồng dân cư, giúp tốt đời, đẹp đạo.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định trong Điều 18 Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 rất cụ thể: (i) Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, và tôn giáo; quyền này bao gồm cả tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình và tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình bằng các hình thức truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ theo hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc riêng tư; (ii) Không ai phải chịu ép buộc dẫn đến làm tổn hại quyền tự do lựa chọn có hoặc tin theo tôn giáo hay tín ngưỡng của họ; (iii) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị giới hạn bởi luật khi cần thiết để nhằm bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, hoặc các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một lần nữa được khẳng định và được cụ thể hơn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 với quy định các quốc gia thành viên của Công ước phải tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ hoặc những người giám hộ hợp pháp “Để đảm bảo việc giáo dục về đạo đức và tôn giáo của con cái họ phù hợp với ý nguyện riêng của họ” đồng thời nghiêm cấm mọi hành động cổ vũ hằn thù dân tộc, sắc tộc, tôn giáo dẫn đến kích động, phân biệt đối xử và bạo lực.
Ở Việt Nam, các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống luôn đồng hành với mỗi giai đoạn phát triển dân tộc và đã góp phần hun đúc những giá trị tinh thần cốt lõi, thẩm thấu vào nếp nghĩ, cách ứng xử của mỗi con người Việt Nam. Đồng thời sự đoàn kết tôn giáo cũng tạo nên sức mạnh để giữ và xây dựng đất nước trước ngoại xâm. Do vậy, ngay từ khi thực hiện đường lối giải phóng dân tộc cũng đã chú trọng đến đoàn kết tôn giáo để không bỏ lỡ một nguồn lực tôn giáo nào trong sự nghiệp cách mạng. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập cho đến nay, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn là một trong những quyền hiến định rất rõ:
Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946 đã xác định tại Điều 10 “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. “Tự do tín ngưỡng” là một quyền cơ bản của cá nhân với tư cách là công dân của một đất nước có độc lập, chủ quyền được ghi nhận trong Hiến pháp đã khẳng định sự thay đổi thân phận của người dân Việt Nam từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, nhưng các quyền tự do dân chủ của công dân Việt Nam vẫn được quan tâm và trong Điều 26 Hiến pháp năm 1959 tiếp tục xác định “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
Khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất thì “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” đồng thời cũng khẳng định “Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” trong Điều 68 Hiến pháp năm 1980.
Đến Hiến pháp 1992, Nhà nước Việt Nam không chỉ tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thể hiện sự cam kết về điều kiện để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 70 “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18/6/2004 và thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam ngay tại Điều 1: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”.
Đến Hiến pháp 2013 còn thể hiện rõ trách nhiệm tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước tại Điều 24: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Sau một thời gian thực hiện, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn phát triển của đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/11/2016 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV pháp điển hóa thành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 9 chương, 8 mục và 68 điều quy định rõ và cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý mà còn là điều kiện quan trọng để công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và để Nhà nước quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp Nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực trong các tôn giáo ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Thông qua các hoạt động tôn giáo, các chức sắc, chức việc tôn giáo bằng kiến thức, sự hiểu biết và hình ảnh của mình đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc y tế…, vận động, khuyên bảo các tín đồ tuân thủ, chấp hành pháp luật, thực hiện những hành vi chuẩn mực để không chỉ tôn vinh giá trị của tôn giáo mình mà còn đóng góp cho đời những điều tốt đẹp, chân thiện. Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các tôn giáo đã quyên góp tài lực, vật lực để làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, giúp đỡ những hoàn cảnh, khó khăn, cơ nhỡ, cứu trợ an sinh xã hội trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh … phần nào đã chia sẻ cùng Nhà nước chăm lo cho đời sống người dân tốt hơn.
Việc quản lý nhà nước đối với tôn giáo được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải trong khuôn khổ pháp luật để đảm bảo an toàn trật tự xã hội, không xâm phạm đến quyền tự do, lợi ích của cá nhân khác cũng như không xâm phạm đến lợi ích chung, không đi ngược lại những văn minh, tiến bộ của xã hội. Cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 140.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Ngoài ra, trên các vùng miền của đất nước đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện tổ chức trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo với hàng vạn tín đồ tham gia , nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cũng như duy trì các phong tục truyền thống của các dân tộc anh em.
Một số đề xuất đấu tranh với những quan niệm, hành vi đi ngược lại với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh
Bên cạnh việc “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng” cũng cần phải nghiêm khắc “Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”. Những hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo để trục lợi hay tuyên truyền những “giáo lý” dị biệt không phù hợp với luân thường đạo lý, lợi dụng tâm lý hoang mang, sợ hãi vô căn cứ để cổ súy cho mê tín, dị đoan hay đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích giáo lý chính thống… đều cần phải lên án và xử lý thích đáng để theo quy định pháp luật. Trên thế giới không thiếu những minh chứng về sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước, sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cực đoan đã gây những vụ án kinh hoàng do các giáo phái tà độc gây ra như giáo phái tận thế Aum Shinrikyo của Nhật Bản đã sử dụng khí độc sarin tại ga tàu điện ngầm Tokyo khiến 13 người thiệt mạng và 6.000 người trúng độc; giáo phái Heaven’s Gate của Mỹ đã kêu gọi tín đồ của mình đồng loạt tự sát vì một lý do không tưởng là trái đất sắp sửa tái sinh và tự sát để được đưa đến một hành tinh khác?! … Ở nước ta gần đây vẫn xảy ra các vụ án thương tâm do niềm tin về một tín ngưỡng, tôn giáo mơ hồ, bệnh hoạn nào đó như vụ bà nội giết cháu vì thầy bói phán rằng nếu cháu sống thì mình sẽ chết ở Thanh Hóa hay vụ án giết người rồi đổ bê tông thi thể trong thùng nhựa ở Bình Phước … Ngoài ra các tà đạo, giáo phái lạ do một cá nhân tự huyễn hoặc về xuất thân, hình ảnh “Thần thánh”, “Cứu thế” của mình để lừa gạt, trục lợi người dân, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tuyên truyền các nghi lễ quái dị, mê tín hay thậm chí xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo như đe dọa, ngăn cản người dân bỏ tà đạo của chúng hoặc có những hành vi kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, chống phá chính quyền… Tất cả những hành vi phản tôn giáo, không vì mục tiêu tốt đời, đẹp đạo này đang tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, sự lành mạnh, bình an trong đời sống tin thần của người dân nên cần phải lên án, xử lý nghiêm để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đích thực.
Do vậy, để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, phát huy các giá trị nhân văn, tiến bộ, truyền thống của các tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần lành mạnh của mỗi người dân cũng như đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thiết nghĩ cần:
Thứ nhất, cần phát huy hiệu quả của công tác vận động quần chúng Nhân dân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuyên truyền rộng rãi về các chiêu trò, thủ đoạn mê tín dị đoan, lừa đảo của các đối tượng bất hảo để các tín đồ nhận diện và cùng chính quyền đấu tranh với những tiêu cực này.
Thứ hai, thường xuyên cung cấp tình hình hoạt động tôn giáo trên các vùng miền qua các kênh truyền thông chính thức để Nhân dân nắm tình hình thực hiện chính sách tôn giáo của các cấp chính quyền nhằm lan tỏa những điều tích cực trong hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh. Đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền đối ngoại về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn để các chức sắc tôn giáo, các tín đồ tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế. Điều này sẽ góp phần khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta và hạn chế được những thông tin lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo chính sách, pháp luật của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Bài: Nguyễn Thị Nụ
Khoa Nhà nước và pháp luật Trường Chính trị TP Cần Thơ
 
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo.
2. Trương Hải Cường, Một số vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007
3. https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.html
4. https://phaply.net.vn/toi-ac-kinh-hoang-cua-nhung-giao-phai-ta-doc-tren-the-gioi-a208534.html