Nâng cao văn hóa kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng thành phố Cần Thơ

Kiểm tra, giám sát được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời và trưởng thành của Đảng ta, nhất là từ khi thành lập ngành Kiểm tra đến nay, văn hóa kiểm tra, giám sát của Đảng được hiểu là tổng thể những giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc, phép ứng xử được hình thành, tích lũy và thể hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Việc xây dựng văn hóa chính là xây dựng nền tảng vững chắc để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được phát triển bền vững. Đây được xem là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên vừa cấp bách, vừa cơ bản, vừa lâu dài để phát huy những truyền thống tốt đẹp, đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.
Đảng bộ Khối cơ quan Dân Chính Đảng thành phố Cần Thơ trải qua 37 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Khối đã thường xuyên quan tâm đến xây dựng văn hóa kiểm tra, coi đó là nền tảng tinh thần, nhờ đó công tác kiểm tra, giám sát đã không ngừng phát huy hiệu lực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc xây dựng chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối theo từng giai đoạn cách mạng.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế, như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, có nơi còn giao cho ủy ban kiểm tra thực hiện; nội dung kiểm tra, giám sát chưa toàn diện, chưa sát với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm chưa nhiều; việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát thực hiện thông báo kết luận kiểm tra, giám sát của cấp trên và cấp mình chưa thường xuyên; phương pháp công tác, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ kiểm tra còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao…

Đ/c Phạm Bá Trạng, Ủy viên Ban Thường vụ,
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối phát biểu tại buổi
triển khai công tác kiểm tra, giám sát
Do đó, trong thời gian tới để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 “Về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030” và Chương trình số 32-CTr/TU ngày 01/7/2022 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030”, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cần chú trọng xây dựng văn hóa kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Đó chính là quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát vừa có tâm, có tầm, vừa có tính nhân văn sâu sắc; do vậy cấp ủy các cấp cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau đây:
Trước hết, xây dựng văn hóa kiểm tra, giám sát phải bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát của Đảng vừa “Hồng”, vừa “Chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải có đạo đức cách mạng trong sáng, lập trường tư tưởng vững vàng, nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, cấp ủy các cấp cần lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, có nghiệp vụ, chuyên môn và hiểu biết về công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng để tham mưu thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ kiểm tra, giám sát cần phải có bản lĩnh, chính kiến, công tâm, cẩn trọng đưa ra những kết luận chính xác, khách quan; xây dựng lối sống gương mẫu, thái độ giao tiếp có văn hóa, lịch sự, nhã nhặn với mọi người. Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra xác định rõ vì lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng để nói đúng sự thật; kiên quyết, thẳng thắn đấu tranh bảo vệ cái tốt, cái đúng; không thiên vị, thành kiến, không bị chi phối bởi sức ép và không chen động cơ cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Chính những phẩm chất này tạo nên cái tâm và uy tín của người cán bộ kiểm tra.
Thứ ba, cán bộ kiểm tra, giám sát phải không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; phấn đấu, trao dồi, rèn luyện, tự đấu tranh và đấu tranh, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và tự kiểm tra, chỉnh đốn và tự chỉnh đốn để hoàn thiện bản thân, phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo động lực trong công việc, đổi mới phong cách, tác phong làm việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ tư, mỗi cán bộ kiểm tra phải tự xây dựng cho mình một chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Đó là kiên quyết chống những tư tưởng hẹp hòi, định kiến cá nhân; tránh việc nhìn nhận, đánh giá sự việc theo suy nghĩ chủ quan, chỉ thấy mặt hạn chế, khuyết điểm hoặc “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “Có bé, xé ra to”; lợi dụng vị trí công tác để tư lợi; có tư tưởng kiêu ngạo kiểm tra, tự phụ, tự mãn; làm việc theo lối tự do, tùy tiện, qua loa, đại khái; coi thường cấp dưới, coi thường đối tượng kiểm tra, giám sát.
Thứ năm, cần xác định mục đích của việc kiểm tra, giám sát là để phát hiện những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt nhất công việc đề ra chứ không phải “Vạch lá tìm sâu”, tìm ra khuyết điểm, sai phạm để trừng trị. Qua kiểm tra, giám sát để nâng cao ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh, đổi mới lề lối, tác phong, phương pháp công tác; rút ra những bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên. Nếu đối tượng kiểm tra, giám sát có vi phạm thì cán bộ kiểm tra, giám sát phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân của vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ; nếu sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới giúp cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết mình đưa ra, biết rõ cán bộ, đảng viên tốt hay xấu để có biện pháp phát huy, khắc phục và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm, nhằm giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, từ đó nâng cao hiệu quả trong thực hiện các mặt công tác, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Thạc sĩ Phạm Bá Trạng
UVBTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối